Kết nối doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm tại địa phương với các dự án tiết kiệm năng lượng
Sáng ngày 29/06, tại thành phố Bắc Giang, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo: “Chương trình thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (Chương trình DEPP3) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện Hợp phần 3 về phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp, tập trung vào lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Hoàn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang; ông Hoàng Văn Tâm – Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; ông Henrik Adler Nielsen - Cố vấn đặc biệt, Cục Năng lượng Đan Mạch; ông Jørgen Hvid - Cố vấn kỹ thuật dài hạn, Chương trình DEPP3; cùng đại diện các đơn vị tư vấn trong nước và hơn 20 đại diện doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Văn Tâm – đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, hiện nay Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đang phối hợp triển khai Chương trình Thỏa thuận tự nguyện (VAS). Việc tham gia chương trình tự nguyện này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.
Ông Hoàng Văn Tâm – đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững phát biểu khai mạc
“Trong sự kiện ngày hôm nay, chúng tôi cùng những chuyên gia của dự án sẽ trình bày những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích cũng như sự đồng hành giữa hai bên trong quá trình triển khai chương trình này. Đồng thời, chúng tôi cũng hy vọng rằng sẽ đem lại một sự kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý năng lượng ở địa phương. Tạo cơ hội để kết nối giữa doanh nghiệp và các ngân hàng, các tổ chức tài chính, từ đó tạo được thị trường cũng như thúc đẩy các dự án tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp trong tương lai.” - ông Hoàng Văn Tâm cho hay.
Về phía Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Đức Hoàn – Phó Giám đốc Sở cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 90 doanh nghiệp trọng điểm, trong đó, rất nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Giang đã thực hiện những giải pháp để tiết kiệm năng lượng cũng như phát triển bền vững. Với mật độ các khu công nghiệp cao, phía lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, từ đó từng bước triển khai nhiều nội dung để đồng hành cùng doanh nghiệp trong vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Hoàn – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang
Ông Nguyễn Đức Hoàn cũng cho biết: “Sau chương trình ngày hôm nay, chúng tôi sẽ lựa chọn ra một số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, các chuyên gia để thực hiện kiểm toán miễn phí cho các doanh nghiệp. Đây là một nội dung hết sức hiệu quả, trước hết là về mặt kinh tế, doanh nghiệp sẽ không cần phải bỏ tiền ra để thuê một đơn vị tư vấn. Bên cạnh đó, các chuyên gia kiểm toán năng lượng sẽ thực hiện kiểm toán rất chi tiết và có những đề xuất với các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng được những đề tài dự án cụ thể phù hợp.”
Cũng tại sự kiện, ông Jongen Hvid - Cố vấn kỹ thuật dài hạn của Chương trình DEPP3 đã giới thiệu Chương trình xây dựng và triển khai thí điểm Chương trình Thỏa thuận tự nguyện (VAS) thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Theo ông Jongen Hvid, khi doanh nghiệp tham gia vào Chương trình VAS sẽ nhận được các hỗ trợ kỹ thuật như hỗ trợ kiểm toán năng lượng, thực hiện nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, xây dựng đề xuất dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng để tiếp cận vốn vay ngân hàng và chuẩn bị hồ sơ thu xếp tài chính để tiếp cận các nguồn tài chính xanh, tài chính khí hậu.
Ông Jongen Hvid - Cố vấn kỹ thuật dài hạn của Chương trình DEPP3 giới thiệu Chương trình xây dựng và triển khai thí điểm Chương trình Thỏa thuận tự nguyện (VAS)
Mục tiêu tổng thể của VAS là thúc đẩy đầu tư vào hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm tại Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ trong việc phát triển các dự án đầu tư vào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời tiếp cận nguồn tài trợ thương mại để thực hiện dự án; được hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Kiểm toán năng lượng, Nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, xây dựng các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng.
Khi doanh nghiệp ký kết Cơ chế tự nguyện và tuân thủ các yêu cầu sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, điển hình như sàng lọc ban đầu các phương án sử dụng năng lượng hiệu quả dựa trên báo cáo kiểm toán năng lượng hiện có và nếu cần sẽ bổ sung đánh giá về tiềm năng và biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trực tiếp tại cơ sở. Hỗ trợ kiểm toán năng lượng lần đầu, thiết lập ‘EMS giản lược’ và lập kế hoạch báo cáo để phục vụ cho VAS. Hỗ trợ kỹ thuật để tiếp cận nguồn tài chính thương mại cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc phát triển các dự án đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có khả năng vay vốn. Ngoài ra, xây dựng năng lực để tiếp cận hướng dẫn công nghệ cho các ngành tham gia, tiếp cận nguồn tài chính khí hậu cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuân thủ yêu cầu báo cáo theo Luật bảo vệ Môi trường đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Cuối buổi hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi và giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp về Chương trình Thỏa thuận tự nguyện nói chung, từ đó giúp cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích cũng như có định hướng rõ ràng trong việc triển khai các dự án, biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại doanh nghiệp.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Xem thông tin chi tiết về Chương trình TẠI ĐÂY. Phương Loan