[Long An] Hội thảo tham vấn đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa và giới thiệu bộ công cụ giám sát, báo cáo và thẩm tra thực hiện tiết kiệm năng lượng
Hội thảo tham vấn và đào tạo về đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa và hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra về việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp tỉnh vừa được Đại sứ quán Đan Mạch và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương tổ chức tại Long An.
Ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 – 2020, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16% – 18% (chỉ sau ngành viễn thông và dệt may), trong đó có những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%/năm. Theo Thống kê năng lượng Việt Nam năm 2019, tiêu thụ điện trong phân ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cao su và nhựa tăng từ mức 5.722 GWh năm 2016 lên tới 7.627 GWh năm 2019.
Nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp nhựa, ngày 28 tháng 12 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 38/2016/TT-BCT quy định về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa trong giai đoạn từ năm 2016 đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 với phạm vi áp dụng cho các sản phẩm nhựa bao gói, nhựa vật liệu xây dựng, nhựa gia dụng và nhựa kỹ thuật. Sau 6 năm triển khai thực hiện Thông tư này, các kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn: tỷ lệ doanh nghiệp nộp báo cáo về định mức tiêu thụ năng lượng hàng năm ở mức thấp, chất lượng báo cáo còn chưa đảm bảo. Nguyên nhân một phần do năng lực và nguồn nhân lực của một số doanh nghiệp còn yếu và thiếu hụt, doanh nghiệp chưa biết cách tính toán, xác định đinh mức tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, hiện tại chưa có các chế tài xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp không nộp báo cáo nên nhiều doanh nghiệp chưa tự giác nộp báo cáo.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: "Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (Chương trình VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg, trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể về giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho một số ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 – 2018. Đối với ngành công nghiệp sản xuất nhựa, mục tiêu đến năm 2025 là giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân từ 18,00 đến 22,46%, và đến năm 2030 giảm từ 21,55 đến 24,81%".
Tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế đã trình bày các rào cản và thách thức đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong việc tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa, công cụ tính toán định mức tiêu hao năng lượng và hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra về việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp tỉnh. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến về đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa. Đây là căn cứ để Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu và xem xét điều chỉnh quy định về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa trong thời gian tới và hoàn thiện, ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho ngành nhựa, góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho ngành nhựa.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo tham vấn đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa và giới thiệu bộ công cụ giám sát, báo cáo và thẩm tra thực hiện tiết kiệm năng lượng là hoạt động nằm trong Hợp phần 3 của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Chương trình DEPP3) do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì quản lý thực hiện. Hợp phần 3 tập trung vào lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp tại Việt Nam, thông qua rà soát, cải thiện khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và các bên liên quan về triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Trong năm 2021 và 2022, Chương trình DEPP3 triển khai một số hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho ngành nhựa bao gồm nghiên cứu, khảo sát, kiểm toán năng lượng tại một số doanh nghiệp nhựa, từ đó thực hiện tính toán, đưa ra các khuyến nghị về sửa đổi quy định hiện hành về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa và xây dựng công cụ tính toán, hướng dẫn doanh nghiệp báo cáo tuân thủ quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa. Ngoài ra, Chương trình cũng hỗ trợ xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành nhựa nhằm giúp các doanh nghiệp nhựa nâng cao hiểu biết và tiếp cận với các giải pháp tối ưu nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả hơn tại doanh nghiệp, từ đó đạt được các mục tiêu về định mức tiêu hao năng lượng theo quy định và đem lại các lợi ích cho doanh nghiệp.
Hà Nguyễn