Chiều ngày 4 tháng 11 năm 2024, tại Thái Nguyên đã diễn ra cuộc họp liên quan đến báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án cải tạo, nâng cấp lò nung phôi cán nhằm tiết kiệm năng lượng tại Công ty TNHH NatSteelVina. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp phần 3 "Phát thải carbon thấp trong lĩnh vực công nghiệp" thuộc Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch 2020-2025 (Chương trình DEPP3).
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của đại diện Chương trình DEPP3, Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Việt Nam (VETS) cùng ban lãnh đạo, cán bộ Công ty TNHH NatSteelVina.
Nằm trong khuôn khổ Chương trình DEPP3, Bộ Công Thương phối hợp cùng Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch triển khai thí điểm Chương trình Thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng (Chương trình VAS).
Khi các doanh nghiệp tham gia VAS, Chương trình DEPP3 sẽ cung cấp các chuyên gia kỹ thuật với hiểu biết chuyên sâu về các quy trình sản xuất trong các ngành/phân ngành công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng chất lượng cao, nghiên cứu tính khả thi của các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng để doanh nghiệp xem xét quyết định triển khai đầu tư.
Đại diện Ban lãnh đạo và các cán bộ Công ty TNHH NatSteelVina tham gia cuộc họp.
Năm 2023, Công ty NatSteelVina là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia thí điểm Chương trình VAS. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Chương trình, Công ty NatSteelVina đã thực hiện kiểm toán năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi. Cuộc họp lần này nhằm trình bày kết quả nghiên cứu khả thi của Dự án cải tạo, nâng cấp lò nung phôi cán nhằm tiết kiệm năng lượng tại Công ty TNHH NatSteelVina.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hỏa Thái Thanh - Kiểm toán viên năng lượng, Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Việt Nam (VETS), cho biết: Dự án cải tạo, nâng cấp lò nung phôi cán nhằm tiết kiệm năng lượng tại Công ty TNHH NatSteelVina có vòng đời 10 năm, mục tiêu nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải rắn, cải tiến quy trình vận hành lò nung.
Ông Hỏa Thái Thanh, Kiểm toán viên năng lượng (VETS), trình bày về kết quả nghiên cứu khả thi tại Công ty TNHH NatSteelVina.
Theo ông Hỏa Thái Thanh, có hai phương án được đề xuất trong báo cáo nghiên cứu khả thi, bao gồm: Nâng cấp hệ thống điều khiển quá trình cháy lò nung phôi cán bằng tủ PLC kết nối với tủ điều khiển có sẵn; và thay mới hệ thống điều khiển quá trình cháy lò nung phôi cán bằng tủ PLC mới.
Trong đó, giải pháp nâng cấp hệ thống điều khiển quá trình cháy lò nung phôi cán đã được VETS để xuất trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Giải pháp này sẽ tận dụng lại toàn bộ hệ thống điều khiển cũ, chỉ bổ sung bộ PLC và cảm biến đo oxy dư khói thải. "Triển khai phương án này, NatSteelVina có thể tiết kiệm 3,84 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 2 năm với chi phí đầu tư 3,54 tỷ đồng. Bên cạnh tiềm năng tiết kiệm chi phí, phương án này còn giúp nhà máy giảm phát thải CO2, bảo vệ môi trường và giúp công nhân vận hành lò nung dễ dàng hơn", ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hỏa Thái Thanh, giải pháp thay thế toàn bộ bằng tủ PLC mới cũng mang lại tiềm năng tiết kiệm và thời gian hoàn vốn tương tự như giải pháp nâng cấp hệ thống điều khiển quá trình cháy lò nung phôi cán, tuy nhiên chi phí đầu tư cho giải pháp này lại cao hơn - 4,87 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nếu tính đến khả năng mở rộng khi chuyển đổi sang nhiên liệu LNG, ông Thanh cho rằng giải pháp sử dụng tủ PLC mới sẽ giúp quá trình vận hành dễ dàng, linh hoạt hơn.
Ông Hoàng Xuân Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH NatSteelVina phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Xuân Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH NatSteelVina, khẳng định: "NatSteelVina rất quan tâm đến việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Do đó mà những chương trình, dự án như DEPP3 rất có ý nghĩa và quan trọng với NaSteelVina chúng tôi. Thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi giúp chúng tôi có được cái nhìn, hướng đi, đầu tư để có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm chi phí nguyên liệu, giảm lượng vảy cán oxit trong quá trình sản xuất. Sau buổi họp ngày hôm nay, Ban lãnh đạo nhà máy sẽ họp bàn và có phản hồi chính thức bằng văn bản với Chương trình. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được những hỗ trợ của Chương trình khi tham gia vào Output 4 để chúng tôi có cơ hội tìm hiểu thêm các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất."
Đáp lại đại diện NatSteelVina, ông Jorgen Hvid, Cố vấn dài hạn Chương trình DEPP3, cho hay: Chương trình DEPP3 sẵn sàng hỗ trợ NatSteelVina trong các hoạt động nằm trong Chương trình VAS. Nếu công ty mong muốn nhận hỗ trợ sau giai đoạn nghiên cứu khả thi, NatSteelVina có thể đề xuất với Chương trình để Chương trình hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo.
Chương trình VAS được thiết kế nhằm thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp khám phá các cơ hội tiết kiệm năng lượng lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính và hướng đến sản xuất xanh theo xu thế chung của thế giới. Nếu doanh nghiệp mong muốn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, Chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng hồ sơ vay vốn và kết nối tới các nguồn cung cấp tài chính phù hợp. Doanh nghiệp muốn đăng ký tham gia Chương trình VAS vui lòng liên hệ với tư vấn kỹ thuật của Dự án để được hướng dẫn chi tiết: Ông Nguyễn Thanh Hà (Email: [email protected], điện thoại: 0916 942 624) |
Chương trình DEPP3