Nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán năng lượng trong các ngành công nghiệp
Thứ sáu, 25/07/2025 - 13:16
Trong hai ngày 17 và 19 tháng 6 năm 2025, Bộ Công Thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch đã tổ chức chuỗi Tọa đàm kỹ thuật “Kiểm toán năng lượng trình diễn” cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tại Việt Nam. Chuỗi tọa đàm nằm trong khuôn khổ Hợp phần 3 của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (DEPP3).
Đây là 02 sự kiện mở màn cho chuỗi tọa đàm nhằm chia sẻ kết quả và kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện kiểm toán năng lượng trình diễn theo tiêu chuẩn quốc tế trong Chương trình VAS. Hai toạ đàm tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tập trung chia sẻ kinh nghiệm phát triển các dự hiệu quả năng lượng trong ngành giấy, cơ khí, thuỷ sản và dệt may.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công khẳng định: “Kiểm toán năng lượng được xem là giải pháp kỹ thuật quan trọng, là bước đi đầu tiên để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nắm rõ bức tranh tiêu thụ năng lượng của mình, từ đó xác định được những cơ hội và tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, đối với ngành giấy và ngành cơ khí là các ngành công nghiệp đặc thù có những quy trình sản xuất phức tạp và sử dụng nhiều thiết bị tiêu tốn năng lượng, kiểm toán năng lượng càng trở nên cần thiết để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và giảm thiểu chi phí.”

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, phát biểu khai mạc. Nguồn: DEPP3
93 dự án hiệu quả năng lượng được xác định
Ông Jorgen Hvid – Cố vấn dài hạn của Chương trình DEPP3, giới thiệu tổng quan về các hoạt động của Chương trình nhằm thúc đẩy các dự án tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại khu vực công nghiệp, thông qua các sáng kiến nổi bật như Chương trình Thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp (VAS) và mô hình Trung tâm Xuất sắc về Hiệu quả năng lượng (CoE). Đây là hai cấu phần then chốt, cung hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho doanh nghiệp, đơn vị kiểm toán và các bên liên quan khác, nhằm thúc đẩy các ý tưởng hiệu quả năng lượng thành các dự án thực tiễn.

Ông Jorgen Hvid – Cố vấn dài hạn của Chương trình DEPP3 giới thiệu Chương trình DEPP3. Nguồn: DEPP3
Hoạt động kiểm toán năng lượng trình diễn trong khuôn khổ Chương trình DEPP3 đã được triển khai tại nhiều doanh nghiệp công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Các dự án kiểm toán tập trung vào việc phân tích chi tiết tình hình sử dụng năng lượng, nhận diện tiềm năng tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng và đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp với bối cảnh của từng doanh nghiệp.

Ông Hỏa Thái Thanh - Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam - đại diện đơn vị kiểm toán năng lượng chia sẻ một số phát hiện khi thực hiện kiểm toán năng lượng trình diễn. Nguồn: DEPP3
Chia sẻ về các kết quả bước đầu, ông Rahul Raju Dusa - Cố vấn đặc biệt Cục Năng lượng Đan Mạch, cho biết: Tính đến nay, Chương trình đã xác định được tổng cộng 93 dự án hiệu quả năng lượng, trong đó 62% liên quan đến điện và 38% liên quan đến nhiệt. Thông qua các dự án, tiềm năng tiết kiệm năng lượng được xác định lên tới 194,5 GWh mỗi năm, trong đó phần lớn đến từ nhiệt năng (80%) và phần còn lại từ điện năng (20%).
Khi triển khai các giải pháp này không chỉ đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng mà còn giảm phát thải khí nhà kính, với tiềm năng giảm phát thải ước tính khoảng 73.646 tấn/năm, trong đó 59% đến từ nhiệt và 41% đến từ điện.
Nhiều giải pháp đề xuất
Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp tham gia Chương trình VAS và đơn vị kiểm toán trong nước đánh giá cao sự tham gia của tư vấn quốc tế trong việc đào tạo nâng cao năng lực thực hiện kiểm toán năng lượng và xây dựng các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi.

Ông Đào Duy Đức - Công ty Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên (FOMECO) chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán năng lượng trong ngành cơ khí. Nguồn: DEPP3
Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm giới thiệu công cụ sơ đồ năng lượng, cùng hướng dẫn cụ thể phương pháp thu thập dữ liệu, để đảm bảo tính đầy đủ và chính xác trong quá trình lập sơ đồ và đánh giá các tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, việc tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật ở các giai đoạn sau, cũng như kết nối với các nguồn tài chính phù hợp, là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có thể hiện thực hóa các giải pháp một cách hiệu quả và bền vững.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia cũng dành nhiều thời gian để trao đổi về những công nghệ, giải pháp cụ thể phù hợp cho từng ngành công nghiệp. Đối với dự án kiểm toán thuộc ngành cơ khí, một loạt các giải pháp kỹ thuật nhằm tối ưu hiệu quả sản xuất và sử dụng năng lượng được khuyến nghị, trong đó nổi bật gồm: lắp đặt lò trung tần công nghệ hiện đại, công nghệ dập nguội, sử dụng năng lượng mặt trời áp mái. Trong ngành giấy, một số giải pháp tiềm năng lớn bước đầu được như: hiệu chỉnh oxy khói thải lò hơi; thay thế lò hơi nhỏ có công suất thấp bằng lò hơi lớn công suất cao; tận dụng nhiệt thừa...

Ông Nguyễn Xuân Quang - Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Enervi Việt Nam thảo luận về giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng trong ngành giấy. Nguồn: DEPP3
Qua triển khai dự án kiểm toán năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực thủy sản cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp còn rất lớn. Tổng cộng có 16 giải pháp tiềm năng được xác định với các mức độ đầu tư và độ phức tạp về mặt kỹ thuật khác nhau. Ngoài các giải pháp kỹ thuật đơn giản như bảo ôn thiết bị, lắp biến tần hay khắc phục rò rỉ, một số giải pháp được chuyên gia đề xuất tiến hành nghiên cứu khả thi trong giai đoạn tiếp theo là: cải tạo hệ thống cung cấp hơi nước và sử dụng máy nén lạnh trục vít thay cho máy nén lạnh pittông.
Trong dự án kiểm toán của ngành dệt may, tổng cộng có 12 giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được đề xuất, chủ yếu thuộc nhóm giải pháp cấp độ B - các giải pháp có mức đầu tư thấp, dễ triển khai, tập trung vào các cải tiến kỹ thuật đơn giản có thể đem lại hiệu quả ngay như: xây dựng chương trình ngăn ngừa rò rỉ khí nén; tối ưu hóa điều khiển biến tần cho máy nén khí; tối ưu hóa lò hơi; tối ưu hóa điều khiển độ ẩm khí thải trong máy cán...
Ngoài các giải pháp kỹ thuật được xây dựng phù hợp cho từng doanh nghiệp cụ thể, một số giải pháp được khuyến nghị cho các ngành công nghiệp nhằm tăng khả năng giám sát và theo dõi hiệu quả sử dụng năng lượng như: xây dựng hệ thống quản lý năng lượng tiêu chuẩn ISO 50001; lắp đặt đồng bộ hệ thống đo nhiệt, khí; lập định mức sử dụng năng lương trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất...
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận những vấn đề then chốt liên quan đến thực tiễn triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại doanh nghiệp. Đồng thời, mở ra những gợi ý quan trọng để nhân rộng mô hình kiểm toán năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, và tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong hành trình hướng đến phát triển xanh và bền vững.
Các tài liệu và ảnh của Tọa đàm tham khảo tại:
Chương trình DEPP3