[In trang]
Hợp tác quốc tế thúc đẩy ngành gỗ phát triển bền vững
Thứ hai, 21/04/2025 - 15:52
Kiểm toán năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng các báo cáo phân tích tiềm năng kinh tế và kỹ thuật để có thể hiện thực hóa các giải pháp tiết kiệm năng lượng thành các dự án đầu tư là những hỗ trợ kỹ thuật chất lượng cao mà May Forestry nhận được khi tham gia Chương trình VAS.
Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chế biến gỗ không chỉ cần đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm mà còn phải cắt giảm mạnh mẽ lượng phát thải carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của quốc gia.
Trước sức ép ngày càng lớn từ các thị trường quốc tế về yêu cầu sản phẩm bền vững và phát thải carbon thấp, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm (May Forestry) đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm xanh hóa quá trình sản xuất.  
Đặc biệt, thông qua những hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng (VAS), được triển khai bởi Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch, May Forestry có thể tiếp cận các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tối ưu hóa chi phí sản xuất...
Công ty Cổ phần Lâm Nghiệp Tháng Năm (May Forestry) nỗ lực xanh hóa sản xuất.
Xanh hóa sản phẩm, xanh hóa quy trình sản xuất hiện không còn chỉ là xu thế, mà là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành chế biến gỗ. Từ góc độ doanh nghiệp, quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thế Mai:
Trong bối cảnh hiện nay, xanh hóa sản phẩm và quy trình sản xuất không còn là lựa chọn mang tính chiến lược, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến gỗ. Các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ hay Nhật Bản ngày càng siết chặt các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp, giảm phát thải và các chứng chỉ bền vững. Do đó, nếu các doanh nghiệp như chúng tôi không đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường, nguy cơ bị đào thải khỏi chuỗi cung ứng là rất cao.
Ông Nguyễn Thế Mai, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm (May Forestry).
Tuy nhiên, theo tôi, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không chỉ để tuân thủ quy định mà còn mang lại lợi ích dài hạn. Các doanh nghiệp tiên phong xanh hóa có cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng, thu hút khách hàng có nhu cầu cao về sản phẩm thân thiện với môi trường và nâng giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, đầu tư vào công nghệ sản xuất bền vững cũng giúp tối ưu chi phí vận hành, tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất. 
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp chủ động bắt kịp xu hướng xanh hóa đang có nhiều lợi thế hơn khi tiếp cận các đơn hàng giá trị cao và mở rộng thị phần. Ngược lại, những đơn vị chậm chuyển đổi có nguy cơ mất thị trường khi các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe. Do đó, xanh hóa không chỉ là một xu hướng, mà đã trở thành yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trên thị trường. 
May Forestry nâng cấp hệ thống dây chuyên hiện đại.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện thị trường có những biến chuyển nhanh, nếu không chuẩn bị trước và kịp thời đáp ứng, doanh nghiệp sẽ khó khăn ngay. Theo ông, đâu là những khó khăn, thách thức với những doanh nghiệp như May Forestry nói riêng và ngành chế biến gỗ nói chung?
Ông Nguyễn Thế Mai:
Đầu tiên, thị trường gỗ đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản phẩm xanh và bền vững. Toàn ngành chế biến gỗ đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ các tiêu chuẩn môi trường và các yêu cầu về tính bền vững của các thị trường nhập khẩu. Trong nước, các doanh nghiệp ngành gỗ đang không ngừng đầu tư công nghệ và sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường. 
Với May Forestry, dù đã có chiến lược phát triển bền vững, chúng tôi vẫn chịu áp lực từ khách hàng yêu cầu chứng nhận ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt là các thị trường lớn như EU và Mỹ. Để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu không chỉ phải đáp ứng tiêu chuẩn hiện tại mà còn không ngừng đổi mới để phù hợp với những thay đổi trong chính sách thương mại và môi trường. 
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng và nguyên liệu. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đầu tư vào đổi mới công nghệ gặp nhiều thách thức trong quá trình huy động vốn vay ưu đãi do chưa có cơ chế tài chính hỗ trợ rõ ràng, trong khi lãi suất thương mại cao lại là rào cản lớn. Vì vậy, việc đầu tư đổi mới công nghệ khi không có cơ chế hỗ trợ tài chính có thể làm gián đoạn sản xuất nếu không có lộ trình phù hợp. 
Tại May Forestry, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, nâng cấp dây chuyền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, để áp dụng tự động hóa sâu rộng hay mở rộng phạm vi sử dụng năng lượng tái tạo vẫn cần đánh gia kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế và tính khả thi. 
Thứ ba, ngành chế biến gỗ ngày càng đòi hỏi lao động có tay nghề cao, có chuyên môn đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang sản xuất xanh của thị trường. Tuy nhiên, toàn ngành đang thiếu hụt nhân lực có chuyên môn về quản lý năng lượng, vận hành hệ thống sản xuất tiên tiến và kiểm soát môi trường. 
May Forestry đã có đội ngũ kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm, nhưng để triển khai các giải pháp xanh sâu rộng hơn, công ty cần đào tạo thêm về công nghệ tiết kiệm năng lượng, tự động hóa và tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Bên cạnh đó, việc thu hút nhân sự chất lượng cao cũng gặp nhiều rào cản do ngành gỗ không có sức hút lớn như các ngành công nghiệp công nghệ cao khác. 
Công ty đã có sự chuẩn bị cũng như có kế hoạch, giải pháp như thế nào để thích ứng với thay đổi và thách thức của thị trường?
Ông Nguyễn Thế Mai: 
Để thích ứng với những thay đổi và thách thức của thị trường, chúng tôi đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trên toàn công ty. 
Thứ nhất, về cơ sở vật chất, May Forestry đã đầu tư dây chuyên công nghệ hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất, như hệ thống máy nghiền hiện đại của Valmet (Thụy Điển),  hệ thống trải thảm và máy ép liên tục CPS Dieffenbacher (Đức), máy chà nhám Steinemann (Thụy Sĩ),...
Thứ hai, về chất lượng nguồn nhân lực, chúng tôi chú trọng đào tạo đội ngũ kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý và vận hành các hệ thống sản xuất tiên tiến. Việc cập nhật kiến thức về các tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ bền vững cũng được thực hiện thường xuyên để sản phẩm đáp ứng yêu cầu từ các thị trường trong nước và quốc tế. 
Thứ ba, chúng tôi cũng cố gắng, tích cực tham gia vào các chương trình, dự án của các Bộ, ngành để tiếp cận thêm các công nghệ và giải pháp đổi mới sáng tạo. Gần đây, công ty đã tham gia Chương trình Thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình VAS) do Bộ Công Thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch triển khai. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng cập nhật các xu thế mới nhất và chủ động thay đổi để thích ứng với những biến động của thị trường.
Tham gia vào Chương trình Thỏa thuận tự nguyện về tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương và Cục Năng lượng Đan Mạch phối hợp thực hiện, công ty đã nhận được những hỗ trợ gì thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Mai: 
Năm 2023, May Forestry tham gia vào Chương trình Thoả thuận tự nguyện về tiết kiệm năng lượng (Chương trình VAS). Trong quá trình tham gia, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ nhóm chuyên gia kỹ thuật của Chương trình. Các chuyên gia trong nước và quốc tế làm việc trực tiếp tại nhà máy, thực hiện sàng lọc và triển khai nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi giúp chúng tôi xác định các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng. 
Trước đây, chúng tôi cũng đã có một số ý tưởng tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, do đội ngũ kỹ thuật phụ trách chưa có đủ trình độ chuyên môn sâu để tính toán các thông số và xác định tiềm năng của giải pháp nên vẫn chưa thể triển khai. Nhờ tham gia Chương trình, đơn vị tư vấn đã đề xuất cho công ty chúng tôi hai giải pháp tiết kiệm năng lượng với các thông số chi tiết, khả thi. 
Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về hai giải pháp tiết kiệm năng lượng do đơn vị tư vấn đề xuất?
Ông Nguyễn Thế Mai: 
Dựa trên kết quả báo cáo nghiên cứu khả thi, đơn vị tư vấn của Chương trình đề xuất May Forestry thực hiện hai giải pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống lò đốt và hệ thống sấy sợi.
Thứ nhất, giải pháp lắp bộ sấy không khí cấp 1 cho lò đốt được đề xuất nhằm tăng hiệu suất lò đốt và giảm nhiên liệu. Giải pháp này dự tính giúp nhà máy tiết kiệm 1.165 tấn nhiên liệu/năm, tương đương 815,2 triệu đồng/năm, với chi phí đầu tư 2,2 tỷ đồng và thời gian hoàn vốn dưới 3 năm. 
Thứ hai, giải pháp lắp đường ống từ bộ lọc bụi công đoạn ép vào sau quạt sấy sợi giúp tăng hiệu suất sấy và giảm nhiên liệu. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, giải pháp này có thể giúp tiết kiệm 1.268 tấn nhiên liệu/năm, tương đương 887,4 triệu đồng với chi phí đầu tư 300 triệu đồng và hoàn vốn chỉ sau 4,5 tháng. 
Từ kết quả báo cáo cho thấy cả hai giải pháp đều đem lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp công ty tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả năng lượng mà còn giảm các tác động đến môi trường. Nhận thấy tính khả thi của Dự án, chúng tôi quyết định triển khai cả hai giải pháp này. Trong đó, giải pháp lắp đường ống từ bộ lọc bụi công đoạn ép vào sau quạt sấy sợi đã được chúng tôi triển khai. Còn giải pháp lắp bộ sấy không khí cấp 1 cho lò đốt hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị và dự kiến sẽ được triển khai trước Quý 2 năm 2025. 
Có thể thấy May Forestry đã nhận được nhiều hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương và Cục Năng lượng Đan Mạch trong quá trình tham gia Chương trình VAS. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?
Ông Nguyễn Thế Mai:
Chương trình VAS mang lại nhiều giá trị thiết thực cho May Forestry. Thông qua Chương trình, chúng tôi không chỉ được hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng, các báo cáo phân tích tính khả thi về tài chính và kỹ thuậtnghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thicủa các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, mà còn có cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến về tiết kiệm năng lượng và kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.  
Chúng tôi rất hài lòng với các kết quả đạt được đến thời điểm hiện tại. Các giải pháp đề xuất đều có tính khả thi cao, không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn giúp công ty đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về môi trường, biến đổi khí hậu của thị trường quốc tế. 
Chúng tôi rất trân trọng, cảm ơn sự quan tâm của Bộ Công Thương, Cục Năng lượng Đan Mạch và nhóm chuyên gia Chương trình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh và bền vững. Đây là động lực quan trọng giúp chúng tôi tiếp tục đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai. 
Công ty có những mong muốn hoặc đề xuất gì đối với Bộ Công Thương sau khi tham gia Chương trình VAS?
Ông Nguyễn Thế Mai:
Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt là Chương trình VAS. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể triển khai các giải pháp một cách toàn diện và bền vững, chúng tôi mong Bộ Công Thương tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn, đặc biệt trong ba khía cạnh sau:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách hỗ trợ tài chính. Việc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Chúng tôi hy vọng Bộ xem xét mở rộng các chương trình hỗ trợ tài chính, ưu đãi vay vốn hoặc có cơ chế khuyến khích đầu tư để doanh nghiệp có điều kiện triển khai các dự án hiệu quả năng lượng nhanh chóng và thuận lợi hơn. 
Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý năng lượng.
Thứ hai, tăng cường kết nối doanh nghiệp với các đơn vị tư vấn và các nhà cung cấp công nghệ. Chúng tôi mong muốn Bộ đóng vai trò cầu nối, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ nói riêng, cũng như trong toàn thể ngành công nghiệp nói chung có thể hợp tác với các đơn vị tư vấn uy tín và tiếp cận các công nghệ hiện đại, phù hợp với đặc thù sản xuất của ngành. 
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý năng lượng. Các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu về kỹ thuật và các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nghiệp vụ quản lý năng lượng trong nhà máy rất cần thiết để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong các cơ sở sản xuất. 
Chúng tôi tin rằng với sự đồng hành và hỗ trợ từ Bộ Công Thương, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để đấy mạnh chuyển đổi xanh, nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. 
Một câu hỏi cuối cùng xin được hỏi ông, ông có lời khuyên, kinh nghiệm gì muốn chia sẻ cho các doanh nghiệp công nghiệp khác đang có dự định tham gia vào Chương trình VAS? 
Ông Nguyễn Thế Mai:
Để tận dụng tốt sự hỗ trợ từ Chương trình VAS, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu, cam kết thực hiện tiết kiệm năng lượng và chủ động hợp tác với đội ngũ chuyên gia và đơn vị tư vấn của Chương trình ngay từ giai đoạn đầu. Việc phối hợp chặt chẽ với chuyên gia giúp nhanh chóng tìm ra giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả triển khai. 
Ngoài ra, sau khi thực hiện các bước kiểm toán năng lượng, nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi và xác định được các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng và khả thi., Doanh doanh nghiệp nên mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ bởi lợi ích dài hạn từ tiết kiệm năng lượng vượt xa chi phí ban đầu, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn đáp ứng nhu cầu chuyển dịch xanh của thị trường. Từ kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế của May Forestry, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp khác nên mạnh dạn tham gia, tận dụng hỗ trợ từ Chương trình để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, phát triển bền vững. 
Xin cảm ơn ông!
Chương trình DEPP3