[In trang]
Phát triển dự án hiệu quả năng lượng tại Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường
Thứ ba, 08/04/2025 - 13:39
Sáng ngày 2/4/2025, tại Hải Dương đã diễn ra cuộc họp tổng kết kết quả nghiên cứu nhằm phát triển Dự án Hiệu quả Năng lượng tại Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường (SCL). Cuộc họp nhằm làm rõ các kết luận từ nghiên cứu khả thi và thảo luận về các hoạt động hỗ trợ giúp doanh nghiệp triển khai các giải pháp đề xuất trong thời gian tới.

Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công - Bộ Công Thương; Nhóm thực hiện Chương trình DEPP3; Ban lãnh đạo và cán bộ Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường; cùng đơn vị tư vấn trong nước - Enervi.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Tâm, Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Những dự án tiết kiệm năng lượng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của ngành công nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá cao sự chủ động của Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường trong việc tiếp cận và triển khai các giải pháp tiên tiến nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng”.

Là một trong 04 doanh nghiệp đầu tiên tham gia thí điểm Chương trình Thỏa thuận tự nguyện (Chương trình VAS) từ năm 2023, SCL đã được các chuyên gia của Chương trình hỗ trợ đánh giá và xác định các giải pháp hiệu quả năng lượng tiềm năng nhất.

 

Ông Hoàng Văn Tâm, Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc chủ động thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Ba giải pháp hiệu quả năng lượng và giảm phát thải

Sau quá trình nghiên cứu, 03 giải pháp trọng tâm đã được đề xuất, dự kiến giúp doanh nghiệp cắt giảm 6% năng lượng tiêu thụ và giảm 3% khí phát thải vào năm 2025.

Giải pháp số một là thu hồi nhiệt để cải thiện hệ thống hơi. Khảo sát thực địa cho thấy, hiện tại hệ thống hơi của nhà máy đang hoạt động không hiệu quả, dẫn đến việc nước ngưng không còn “sạch” do tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hơi nước xả trực tiếp ra môi trường ở nhiệt độ cao, 180oC – 190oC. Để giải quyết các vấn đề trên, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp lắp đặt bình flash và bình khử khí để thu hồi và làm sạch nhiệt thải, tái sử dụng cho lò hơi. Giải pháp này giúp tiết kiệm 465 tấn nhiên liệu/năm, với chi phí đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng và thời gian hoàn vốn 1,7 năm. Đặc biệt, giải pháp không phát sinh chi phí vận hành và bảo trì.

Giải pháp thứ hai được đề xuất nhằm tăng hiệu quả đốt của lò hơi thông qua cải thiện chế độ ghi đĩa. Hiện tại, nhà máy đang sử dụng quạt để phân phối nhiên liệu đốt (dăm gỗ) cho lò hơi, khiến lượng carbon tồn dư trong tro xỉ lớn và nồng độ CO trong khói thải cao. Các chuyên gia của Chương trình DEPP3 đề xuất thay thế cấu trúc phân phối nhiên liệu để tăng hiệu quả đốt. Giải pháp có mức đầu tư chỉ 100 triệu đồng nhưng giúp tiết kiệm 58 tấn nhiên liệu/năm, hoàn vốn trong 1,2 năm.

Giải pháp cuối cùng được đề xuất là tận dụng nhiệt thải từ hệ thống sấy có nhiệt động cao từ 120oC-130oC. Nhiệt độ khí thải cao không chỉ gây hại bộ lọc túi mà còn gây lãng phí nhiệt năng. Theo đó, các chuyên gia đề xuất giải pháp lắp đặt bộ hâm nước để tận dụng nhiệt thải bổ sung cho lò hơi. Với chi phí khoảng 1,58 tỷ đồng, giải pháp giúp tiết kiệm gần 700 tấn sinh khối/năm, hoàn vốn sau 1,5 năm. Tương tự, giải pháp không phát sinh chi phí vận hành hay bảo trì.

Theo đánh giá từ chuyên gia Chương trình DEPP3, với tổng vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng, ba giải pháp không chỉ mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng đáng kể mà còn giúp doanh nghiệp giảm khoảng 2,1 tấn COmỗi năm, góp phần hiện thực hóa mục tiêu sản xuất xanh.

Ngoài ra, các giải pháp còn mang lại nhiều lợi ích phi năng lượng (NEB) như: giảm chi phí sản xuất, kéo dài tuổi thọ thiết bị, giảm ô nhiễm nhiệt tại nơi làm việc và cải thiện điều kiện lao động.

Tạo cơ hội từ tín chỉ carbon

Ông Vũ Văn Chiến, Tổng Giám đốc SCL, khẳng định sẽ triển khai các giải pháp hiệu quả năng lượng, giảm phát thải tại doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ông Vũ Văn Chiến, Tổng Giám đốc SCL cho biết: “Công ty đánh giá rất cao sự hỗ trợ của các chuyên gia của Chương trình. Trong thời gian tới, Công ty sẽ chuyển sang bước 2, thực hiện đầu tư và nghiên cứu các phương án để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng của các hệ thống sản xuất trong nhà máy.”

Đại diện SCL cũng bày tỏ mong muốn được Bộ Công Thương và Chương trình DEPP3 tiếp tục hỗ trợ, tư vấn để tạo tín chỉ carbon, tiếp cận các thị trường mua bán tín chỉ carbon toàn cầu và khẳng định vị thế của một thương hiệu sản xuất vật liệu xây dựng xanh uy tín tại Việt Nam.

Đoàn làm việc của Bộ Công Thương, Chương trình DEPP3 tại Công ty SCL.

Ông Jorgen Hvid, Cố vấn dài hạn của Chương trình DEPP3, cho biết quá trình làm việc với SCL đã cung cấp các kinh nghiệm thực tiễn giá trị để Chương trình hoàn thiện các hướng dẫn phát triển dự án hiệu quả năng lượng và chia sẻ với các bên liên quan. “Sau bước nghiên cứu khả thi, Chương trình DEPP3 sẵn sàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ SCL tiếp cận các nguồn cung cấp vốn vay ưu đãi cho hiệu quả năng lượng và chuẩn bị hồ sơ vay vốn nếu doanh nghiệp có nhu cầu”, chuyên gia Jorgen khẳng định.

Buổi làm việc kết thúc với khẳng định hợp tác chặt chẽ từ các bên để thúc đẩy triển khai các giải pháp hiệu quả năng lượng, giảm phát thải trong thời gian tới, giúp doanh nghiệp hướng tới hình mẫu tiên phong trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường.

Chương trình DEPP3